Người bệnh mạn tính cần điều trị thời gian dài, không được tự ý bỏ thuốc để đảm bảo bệnh không tiến triển nặng.
Ông Hoàng, 65 tuổi, ở Hà Nội mắc đái tháo đường type II 5 năm trước. Thời gian đầu, ông tuân thủ uống thuốc và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Song, khi sức khỏe ổn định, hai năm qua ông tự ý điều trị bằng insulin 8UI/ ngày mà không tái khám. Khoảng hai tháng nay, ông đau sưng hai chân, chảy dịch mủ vàng, sốt nhẹ, mệt mỏi, khát nước, sụt 5 kg. Kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói (Glucose) và xét nghiệm đánh giá đường huyết trung bình trong ba tháng (HbA1c) cho thấy tăng cao nhiều lần. Bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Medlatec chẩn đoán loét cẳng chân do biến chứng đái tháo đường type II, xơ vữa, hẹp động mạch.
Trường hợp khác là bệnh nhân nam 62 tuổi, ở Hà Nam, mắc bệnh viêm gan B mạn tính 5 năm, luôn tuân thủ uống thuốc kháng virus Tenofovir 300mg theo đơn của bác sĩ. Kiểm tra sức khỏe cách đây ba tháng, kết quả men gan ổn định, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, ông tưởng tình trạng viêm gan B được kiểm soát nên tự ý dùng thuốc “cách nhật” – cách ngày uống một viên. Khi chán ăn, kèm mệt mỏi, nước tiểu sậm màu tăng dần, lượng nước tiểu ít, bệnh nhân đến viện khám được chẩn đoán đợt bùng phát viêm gan B mạn.
TS.BS Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Melatec, cho biết đây là hai trong số nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì gặp biến chứng do tự ý điều trị, hoặc chỉnh liều thuốc.
“Bệnh mạn tính chỉ ‘hiền’ khi bệnh nhân tuân thủ phác đồ, nhưng lại ‘dữ’ gây biến chứng nghiêm trọng như tàn tật, tử vong nếu không được điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Cương nói.
Bệnh mạn tính rất đa dạng như tim mạch, ung thư, tiểu đường, viêm gan virus, bệnh tự miễn… Bệnh có thể gặp ở bất cứ độ tuổi, giới tính và hiện là nguyên nhân gây tử vong, tàn tật hàng đầu hiện nay nên cần theo dõi, quản lý và điều trị liên tục. Thống kê tại Mỹ cho thấy người từ 65 tuổi trở lên, có 75% bị ít nhất một bệnh mạn tính và 50% mắc ít nhất hai bệnh mạn tính.
Bệnh mạn tính cần thời gian điều trị kéo dài, không chỉ một năm, hai năm mà cần nhiều trường hợp cần chăm sóc liên tục cả đời. Bệnh tiến triển thầm lặng, kéo dài, dễ tái phát, gây đau đớn, nhưng không thể ngừa bằng vaccine nên ảnh hưởng tới tâm lý, làm suy giảm chất lượng sống cũng như tốn kém chi phí, thời gian của người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh mạn tính cần xác định chung sống hòa bình với bệnh suốt đời. Để tránh những biến chứng khôn lường, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc là định kỳ kiểm tra sức khỏe, tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Cần đến ngay cơ sở y tế ngay nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường. Tuân thủ uống thuốc theo đơn, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc. Trong quá trình điều trị, nếu thuốc có tác dụng phụ cần trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, hoặc lựa chọn thực phẩm theo lời khuyên của bác sĩ điều trị.
Lê Nga
Tham khảo từ https://vnexpress.net/benh-man-tinh-tuong-hien-hoa-du-4788365.html