Gã khổng lồ công nghệ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi bất ổn địa chính trị gia tăng.
Theo hãng tin Nikkei, Apple đã bắt đầu sản xuất hàng loạt dòng iPhone mới bao gồm cả dòng Pro tại Ấn Độ chỉ vài ngày sau khi hãng bắt đầu sản xuất các thiết bị điện thoại này Trung Quốc. Đây là động thái cho thấy rõ rệt nhất nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc của gã khổng lồ công nghệ này.
Hai nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho biết ngoài nỗ lực cấp bách của công ty Mỹ nhằm giảm thiểu bất ổn địa chính trị, việc sản xuất iPhone 16 mới cũng phản ánh tiến bộ công nghệ mà mạng lưới cung ứng của Ấn Độ đã đạt được trong những năm gần đây.
Trước đây, Trung Quốc đã sản xuất các mẫu iPhone mới nhất và cao cấp trong khi các nhà cung cấp tại Ấn Độ chỉ nhận được đơn đặt hàng cho các phiên bản cấp thấp hoặc cũ hơn. Nhưng điều đó đã thay đổi gần đây khi Apple tìm kiếm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng lớn hơn.
Theo các cuộc kiểm tra chuỗi cung ứng, khoảng 30 triệu chiếc iPhone đã được lắp ráp tại Ấn Độ vào năm ngoái, trong khi chỉ riêng nửa đầu năm 2024, có khoảng 18 triệu chiếc được sản xuất tại đây. Những thiết bị này không chỉ dành cho thị trường Ấn Độ mà còn được xuất khẩu, chủ yếu là sang Mỹ.
Ivan Lam, một nhà phân tích của Counterpoint Research, cho biết Ấn Độ đã được hưởng lợi khi là một trong những địa điểm lắp ráp chính bên ngoài Trung Quốc, với các thương hiệu lớn đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất và khai thác thị trường Ấn Độ.
“Tuy nhiên, trong vài năm tới, tăng trưởng của Ấn Độ chủ yếu sẽ giới hạn ở việc lắp ráp sản phẩm cuối cùng”, Lam cho biết. “Việc sản xuất các linh kiện điện tử và cơ khí có giá trị hơn vẫn tập trung ở Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ đã tiến bộ, nhưng hiệu quả, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của nước này vẫn chưa thể sánh kịp với năng lực của Trung Quốc”.
Thật vậy, sự thay đổi cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn suôn sẻ. Các nguồn tin cho biết mặc dù đã đạt được thành tựu đáng kể trong năm nay, phần lớn iPhone gần đây vẫn đang được lắp ráp tại Trung Quốc do quá trình chuyển giao linh kiện và phụ tùng từ các nhà cung cấp sang Ấn Độ chậm hơn dự kiến. Những người này cho biết, việc nhập khẩu nhân sự và thiết bị từ Trung Quốc cũng phải chịu sự sàng lọc chặt chẽ hơn, khiến việc đa dạng hóa trở nên khó khăn hơn.
“Trong quá trình ra mắt sản phẩm, Apple có xu hướng ưu tiên tính ổn định của chuỗi cung ứng. Phần lớn các mẫu iPhone cao cấp nhất vẫn được phân bổ ở Trung Quốc để đảm bảo chuỗi cung ứng diễn ra suôn sẻ trước dịp mua sắm Black Friday vào tháng 11”, một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asia.
Young Liu, chủ tịch của Foxconn, nhà cung cấp iPhone chính, gần đây đã bảo vệ hiệu suất của công ty mình tại Ấn Độ, nói rằng năng suất sản xuất chung tại quốc gia này “chắc chắn cao hơn 50%”, sau khi một số báo cáo gần đây của phương tiện truyền thông cho rằng con số này thấp hơn mức đó. Liu cho biết Foxconn đã rời khỏi Ấn Độ nếu năng suất thấp như những báo cáo đó, nhưng không đưa ra con số cụ thể về năng suất tại quốc gia này.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Trung Quốc, Apple đã chuyển trọng tâm sang thị trường khổng lồ ở Ấn Độ, nơi hãng ghi nhận mức tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái về lượng hàng xuất xưởng trong quý đầu tiên của năm 2024. Hãng cũng tạo ra doanh thu kỷ lục tại Ấn Độ trong quý đầu năm nay. Ở phân khúc cao cấp – nơi điện thoại có giá hơn 800 đô la – Apple kiểm soát 69% thị trường Ấn Độ, so với 31% của Samsung Electronics.